Cách thành phố Lào Cai chừng 20 km, thôn Sải Duần có 55 hộ với 257 nhân khẩu, 100% là người Dao đỏ. Trước khi làm quen với khái niệm du lịch cộng đồng người dân nơi đây chỉ biết làm nương rẫy và chăn nuôi. Với sự trợ giúp từ Trung tâm CIRUM (Úc) và sự ủng hộ của chính quyền xã Phìn Ngan, mô hình tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan được thành lập. Việc xây dựng, quy hoạch được xã quản lý sát sao để không phá vỡ cảnh quan, thiên nhiên, giữ nguyên vẹn nét hoang sơ, hiếm có của vùng đất này. Ngày 5/1/2019, mô hình đã đi vào hoạt động với quy mô 4 phòng, 6 thùng tắm và phòng nghỉ được bố trí dành cho những khách có nhu cầu nghỉ dưỡng tại đây và tham gia các hoạt động cộng đồng với bà con trong thôn.
Mô hình tắm lá thuốc
Đến đây, ngoài tắm lá thuốc, du khách còn được thưởng thức các bữa cơm truyền thống với các sản vật địa phương như rau rừng xào thịt lợn hun khói, măng tươi luộc hoặc xào, măng chua nấu canh, cá suối rán, gà nấu canh gừng và nấm hương v.v…. Vì thế du khách, nhất là khách nước ngoài thường lưu lại lâu hơn, hào hứng tham gia một số hoạt động như đi bộ trong rừng, theo bà con đi hái thuốc nam, lên nương cuốc đất trồng ngô, vãi hạt rau…
Trải nghiệm thu hoạch lúa với người dân nơi đây
Không chỉ thay đổi về cảnh quan, bà con nơi này đã rất chú trọng đến việc tự thay đổi mình trong cách phục vụ, giao tiếp cũng như mày mò học nấu những món ăn độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình để tiếp đón du khách. Trung bình mỗi năm, thôn đón 550 lượt khách/năm (trong đó có 108 lượt khách Quốc tế), doanh thu đạt 120 triệu đồng/năm. Riêng năm 2023, đón 630 lượt khách, doanh thu đạt 168 triệu đồng. Lợi nhuận thu được sẽ trích lại 20% đóng góp vào quỹ thôn để mọi người cùng hưởng lợi và tái đầu tư mở rộng, còn lại chi trả công cho người trực tiếp hoạt động. Từ việc thu hút khách du lịch, trong những năm qua nhiều hộ gia đình đã có thêm nguồn thu nhập từ việc bán các sản phẩm như: Thuốc tắm; gà bản; lợn đen bản địa; cá nước lạnh…
Thu hút khách nước ngoài đến tham quan trải nghiệm
Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội Pút tồng; Lễ Cấp sắc; Lễ cúng rừng; Lễ cưới; các trò chơi dân gian độc đáo; Trải nghiệm mặc trang phục truyền thống… Đặc biệt, nét văn hóa trong phong tục tập quán và đời sống sinh hoạt còn được tái hiện qua các tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ thôn biểu diễn như: hát đối, múa, kèn Pí lè .v..v… đem lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Dao đỏ.
Trong thời gian tới, để du lịch cộng đồng ở Sải Duần nói riêng và xã Phìn Ngan nói chung phát huy được tiềm năng và lợi thế, cần thiết có một “cú hích” đủ mạnh. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, trước nhất cần tổ chức bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp đơn giản, kỹ năng kinh doanh du lịch cộng đồng cho bà con dân tộc bản địa là cần thiết, xã sẽ đầu tư thêm một homsaty với sức chứa khoảng 30 khách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ và giữ rừng để phục vụ cho mô hình du lịch trải nghiệm, đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm loại hình du lịch ẩm thực, các vật phẩm du lịch đặc trưng, vừa có thể quảng bá văn hóa đặc trưng của người Dao đỏ, lại đem lại nhập cho bà con.
Du khách trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người Dao đỏ
Sải Duần hôm nay khoác lên mình chiếc áo nhiều màu sắc. Từ khi bà con phát triển thôn thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, bộ mặt của thôn đã thay đổi rõ rệt, khang trang và tươi đẹp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây cũng được cải thiện tốt hơn trước rất nhiều; Người dân trong thôn đoàn kết, biết động viên nhau giữ gìn bản làng để phát triển du lịch.