Tẩn Sử Mẩy – Sinh năm 1993, cô gái người Dao đỏ, hiện là Trưởng thôn, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát). Ở nơi vùng cao còn nhiều khó khăn, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chị đã góp phần giúp đồng bào Dao đỏ có cuộc sống tốt hơn.
Đó là những lời mở đầu bức thư của Jin Chuah, du khách người Singapore gửi cho cộng đồng người Dao đỏ thôn Sải Duần sau chuyến du lịch khám phá nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, chị Tẩn Sử Mẩy cho biết: Trong 2 năm qua, Jin Chuah không phải là du khách đầu tiên bày tỏ cảm xúc khi được đến xã Phìn Ngan và khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Trung bình mỗi tháng, homestay du lịch cộng đồng thôn Sải Duần đón khoảng 10 – 15 khách du lịch, chủ yếu là du khách người nước ngoài như Singapore, Indonesia, Lào, Malaysia. Đặc biệt, du khách đến thôn Sải Duần thường lưu trú từ 3 đến 4 ngày.
“Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động, không dừng lại ở dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ và thưởng thức ẩm thực địa phương, mà còn mở rộng các trải nghiệm khác cho du khách như khám phá rừng vầu nhiều năm tuổi, tham quan hồ Láo Vàng, hang động Láo Vàng, trại cá hồi, cùng người dân địa phương gặt lúa, thu hoạch ngô, trồng quế, thu hoạch quế, bắt cá suối… Các hoạt động trải nghiệm đều gắn với khám phá văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu”, chị Tẩn Sử Mẩy kể.
Điều đáng nói là qua sự kết nối, tổ chức các hoạt động du lịch của Tẩn Sử Mẩy, lượng khách đến Phìn Ngan ngày càng tăng, với 80% là du khách nước ngoài. “Trước đây, mô hình du lịch cộng đồng thôn Sải Duần chưa được nhiều người biết tới và du khách chủ yếu là người Việt Nam. Từ một, hai đoàn khách quốc tế đầu tiên, chúng tôi tích cực kết nối, quảng cáo trên mạng xã hội, được một số du khách nước ngoài hỗ trợ, từ đó thu hút du khách đến nhiều hơn”, chị Tẩn Sử Mẩy cho hay.
Là Trưởng thôn Sải Duần, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, cũng là đảng viên, chị Tẩn Sử Mẩy luôn trăn trở làm cách nào để giúp đồng bào Dao đỏ nơi đây có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững. Từ việc xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Sải Duần của chị Mẩy và một số hộ trong thôn, người dân được nâng cao thu nhập.
Trung bình mỗi tháng, doanh thu từ mô hình du lịch ít nhất là 10 triệu đồng. Đặc biệt, du lịch phát triển kéo theo một số dịch vụ khác. Trong thôn Sải Duần hình thành đội xe ôm phục vụ việc đưa, đón du khách, đội hướng dẫn viên đưa du khách trải nghiệm, tổ lấy lá thuốc tắm, nấu ăn phục vụ du khách, từ đó tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương. Du khách đến Phìn Ngan còn góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con.
Trong gần 7 năm qua, với sự dẫn dắt của Tẩn Sử Mẩy, Chi hội Phụ nữ thôn Sải Duần duy trì tốt một số mô hình sinh kế cho bà con, hướng tới giúp những phụ nữ nghèo có cuộc sống tốt hơn. Tiêu biểu như mô hình trồng lạc, trồng ngô gây quỹ cho hội viên vay phát triển kinh tế, với tổng nguồn quỹ hiện nay gần 10 triệu đồng; mô hình hỗ trợ lợn giống cho các hội viên khó khăn, với hơn 10 hộ được hưởng lợi.
Chị Mẩy còn tích cực động viên phụ nữ trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với các mô hình trồng quế, dưa hấu, sa nhân tím, nuôi cá nước lạnh, từ đó một số hội viên phụ nữ có thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên, như các chị Chảo Mắn Mẩy, Lý Tả Mẩy, Chảo Cói Mẩy, Tẩn Lở Mẩy…
Những nỗ lực của cô gái Dao đỏ dần dần tạo được chuyển biến tích cực cho đồng bào trong thôn. Năm 2023, thôn Sải Duần có 55 hộ, trong đó có 24 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Xét theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều, trong 2 năm qua thôn có hơn 10 hộ thoát nghèo.
Chúng tôi gặp chị Tẩn Sử Mẩy khi chị vừa kết thúc chuyến đi trải nghiệm tại đảo Bali, Indonesia. Qua các hoạt động du lịch, kết nối với du khách nước ngoài, những hình ảnh về vẻ đẹp mảnh đất, con người Phìn Ngan cũng như những khó khăn của bà con nơi đây được du khách lưu lại và giới thiệu rộng rãi. Vai trò của Trưởng thôn Tẩn Sử Mẩy trong việc tạo sự đổi thay cho cộng đồng cũng được nhiều người biết tới, từ đó chị và Bí thư Chi bộ thôn Sải Duần đã được mời tham dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại đảo Bali, Indonesia, với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và các nước khác.
“Tham gia hội thảo, tôi giới thiệu và quảng bá vẻ đẹp quê hương, nét đẹp bản sắc dân tộc Dao đỏ. Tôi cũng nói về những hậu quả do biến đổi khí hậu như lũ ống, lũ quét ảnh hưởng tới đời sống người dân, giải pháp khắc phục, ứng phó của địa phương với biến đổi khí hậu, những khó khăn của cộng đồng đang gặp phải để kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Qua chuyến đi, tôi học hỏi được nhiều điều từ các mô hình phát triển nông nghiệp, vệ sinh môi trường nông thôn ở Indonesia, kinh nghiệm làm du lịch của người bản địa”, chị Tẩn Sử Mẩy cho biết.
Những ngày cuối năm, chị Tẩn Sử Mẩy càng bận rộn hơn với công việc của Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sải Duần. Thời gian rảnh rỗi và những ngày cuối tuần, chị dành cho việc tổ chức các hoạt động cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Chỉ vào ngôi nhà sàn mới hoàn thành bên cạnh homestay cũ của cộng đồng, chị Mẩy bảo, vừa qua chị và một số hộ trong thôn góp hơn 100 triệu đồng làm thêm ngôi nhà này phục vụ du khách. “Công việc dù bận rộn, phía trước còn không ít khó khăn, nhưng dù khó khăn vẫn phải nỗ lực, cố gắng thật nhiều, làm được nhiều việc vì lợi ích của cộng đồng là tôi vui và hạnh phúc rồi”, chị Tẩn Sử Mẩy bộc bạch.